HUẤN TỪ CHO GIỚI CHÍNH TRỊ GIA

 

LUẬT NHÂN TẠO KHÔNG ĐƯỢC

TƯƠNG KHẮC VỚI LUẬT TỰ NHIÊN

 

(Huấn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II ngỏ cùng thành phần Chính Trị Gia

trong Ngày Mừng Năm Thánh của họ tại Rôma, 4/11/2000)

 

 

1.         Tôi hết sức vui mừng được đón tiếp quí vị, những tôn vị lãnh đạo chính quyền, các phần tử lập pháp cũng như qúi vị nam nữ đang đảm trách sinh hoạt xã hội, là những người đến Rôma để cử hành Cuộc Mừng Năm Thánh. Tôi ưu ái cám ơn Bà Grzeskowiak, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện Balan, đã đại diện hội đồng chào mừng Tôi; Tôi ưu ái cám ơn Bà Mario Losada, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện Á Căn Đình, và Thượng Nghị Sĩ Nicola Mancino, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện Ý Đại Lợi, đã ngỏ lời thay cho qúi vị. Tôi cũng cám ơn Thượng Nghị   Fransesco Cossiga, người đã khởi xướng việc xin Giáo Hội công bố Thánh Thomas More làm quan thày của giới chính quyền và chính trị. Tôi cũng xin chào những tôn vị lãnh đạo khác, trong đó có Ông Mikhail Gorbachev, người đã lên tiếng trong hội đồng này. Tôi xin đặc biệt đón chào Quí Vị Thủ Lãnh Quốc Gia đang hiện diện nơi đây.

Cuộc họp của chúng ta đây cho tôi cơ hội để cùng với quí vị, theo chiều hướng của những khơi động vừa được quí vị bày tỏ, suy nghĩ về bản chất của sứ vụ đã được Thiên Chúa Quan Phòng trao phó cho quí vị, cũng như về những trách nhiệm bởi sứ vụ này mà ra. Ơn gọi của quí vị thực sự phải được coi đúng là một ơn gọi làm chính trị, một ơn gọi, về phương diện thực hành, là việc quản trị quốc gia, là việc hình thành luật pháp và là việc điều hành các hoạt động công cộng ở mọi cấp độ. Bởi thế, chúng ta phải tìm hiểu về bản chất, về các đòi hỏi cũng như về những mục đích của chính trị, để có thể tác hành như những người Kitô hữu và như những người ý thức được chẳng những tính chất tuyệt hảo mà còn cả những khó khăn và nguy hiểm nơi chính trị nữa.

 

2.         Chính trị là việc sử dụng quyền bính hợp pháp để đạt được công ích chung cho xã hội, một công ích, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã định nghĩa, bao gồm "tổng số các điều kiện của đời sống xã hội, làm cho cá nhân, gia đình và nhóm hội có thể đạt tới mức độ trọn vẹn một cách hoàn toàn và tốt đẹp" (Hiến Chế Gaudium et Spes, 74). Bởi thế, hoạt động chính trị phải được thực thi trong tinh thần phục vụ. Vị tiền nhiệm Phaolô VI của Tôi đã có lý khi định nghĩa "chính trị là một đường lối cần phải sống dấn thân Kitô giáo trong việc phục vụ kẻ khác" (Tông Thư Octogesima adveniens, 46).

 

Thế nên, Kitô hữu dấn thân làm chính trị - cũng như những ai muốn làm chính trị như một Kitô hữu - phải hoạt động vô tư, không được tìm tư lợi cho bản thân mình, hay cho nhóm hội hoặc đảng phái của mình, mà là thiện ích của mỗi người và mọi người, nhất là thiện ích của thành phần kém may mắn trong xã hội. Trong cuộc đối chọi xẩy ra nơi đời sống, một cuộc đối chọi có những lúc nhẫn tâm và tàn bạo, không thiếu gì những người đã bị "đè bẹp" và thực sự đã bị loại trừ. Trong số những người này, Tôi không thể nào không kể đến thành phần bị giam cầm tù ngục. Vào ngày mùng 9 tháng bảy vừa rồi, Tôi đã đến viếng thăm một số tù nhân để cử hành Ngày Mừng Năm Thánh của họ. Trong dịp đó, theo truyền thống của các Năm Mừng Kỷ Niệm trước kia, Tôi đã xin  các vị thủ lãnh quốc gia thực hiện "một cử chỉ nhân ái đối với những tù nhân", một cử chỉ nói lên "dấu hiệu rõ ràng tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh của họ". Thể theo nhiều lời yêu cầu từ khắp nơi trên thế giới gửi đến Tôi, hôm nay, Tôi xin lập lại điều yêu cầu này, với lòng tin tưởng rằng, một cử chỉ như vậy sẽ là niềm phấn khích các tù nhân trên con đường canh tân bản thân của họ, cũng là điều khích lệ để họ biết thực lòng chấp nhận những giá trị của phép công bình.

 

Công bình thực sự phải là mối quan tâm cốt yếu của các nhà lãnh đạo chính trị, một tình trạng công bình không phải ở chỗ thỏa đáng việc phân chia đồng đều cho mỗi người, mà là một tình trạng công bằng nhắm đến việc tạo điều kiện cho dân chúng có cơ hội như nhau, nhờ đó, chú trọng đến việc ưu đãi thành phần có nguy cơ bị bỏ rơi hay bị dìm xuống những chỗ thấp nhất trong xã hội mà không mong ngóc đầu lên được, vì giai cấp xã hội hay vì trình độ giáo dục hoặc vì vấn đề sức khỏe của họ.

Đó là gương mù xẩy ra nơi một xã hội phong phú trong thế giới ngày nay, một thế giới mà người giầu có lại càng giầu có hơn, vì phú quí nẩy sinh phú quí, và người nghèo lại càng nghèo hơn, vì đã bần cùng lại tiến đến chỗ bần cùng hơn. Cái gương mù này không những xẩy ra ở riêng mỗi quốc gia, mà còn có những khía cạnh vượt ra ngoài biên giới của các quốc gia nữa. Nhất là ngày nay, với hiện tượng toàn cầu hóa thị trường tiêu thụ, trong khi các quốc gia giầu có và phát triển càng ngày càng tiến đến chỗ cải tiến tình trạng kinh tế của mình hơn, thì các xứ sở nghèo, ngoại trừ một số đang trên đà có triển vọng phát triển, tiến đến chỗ càng ngày lại càng bị chìm sâu xuống tới những hình thức bần cùng thê thảm.

 

3.         Với tấm lòng hết sức buồn thảm, Tôi nghĩ đến những miền đất trên thế giới không ngớt bị tai ương chiến tranh và hận thù, bị nạn đói kém và các bệnh tật kinh hoàng. Nhiều người trong quí vị cũng hiểu được mối quan tâm của Tôi đối với tình trạng xẩy ra này, một tình trạng mà, theo quan điểm Kitô Giáo cũng như quan điểm nhân bản, cho thấy một thứ tội bất công trầm trọng nhất diễn ra nơi thế giới tân tiến này. Bởi thế, nó phải đánh động lương tâm Kitô hữu ngày nay một cách sâu xa, nhất là những ai điều khiển guồng máy chính trị, kinh tế và tài chính thế giới đang nắm trong tay quyền quyết định số phận các dân tộc, một là tốt hơn hai là tệ hơn.

 

Thật sự cần phải có tinh thần đoàn kết hơn nữa trên thế giới để làm phương cách chế ngự tính vị kỷ của cá nhân cũng như của các quốc gia. Chỉ như vậy mới có thể kiềm chế được việc theo đuổi quyền lực chính trị và giầu có kinh tế mà không màng chi đến những giá trị khác. Trong một thế giới hiện nay đang được toàn cầu hoá, một thế giới mà thị trường tiêu thụ tự nó có thực quyền chi phối tự do của con người cũng như chi phối cả tính cách sáng tạo của lãnh vực kinh tế (x Thông Điệp Bách Niên, 42), nhưng lại có khuynh hướng tách lìa ra khỏi tất cả mọi qui chiếu luân lý và lấy luật kiếm lợi tối đa làm tiêu chuẩn duy nhất của mình, thì Kitô hữu nào còn cảm thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi sống đời chính trị phải có nhiệm vụ, một nhiệm vụ thật khó khăn song cũng rất cần thiết, làm cho các thứ luật thị trường "thả lỏng" am hợp với luật công bằng và đoàn kết. Chỉ có thế, chúng ta mới bảo đảm được một tương lai hòa bình cho thế giới của chúng ta, cũng như mới loại trừ được căn gốc gây ra các tương khắc và chiến tranh, vì hòa bình là hoa trái của công bình chính trực.

 

4.         Tôi đặc biệt muốn nói với những ai trong số quí vị đang có nhiệm vụ rất tinh tế trong việc hình thành và phê chuẩn các thứ luật lệ, một công việc làm cho con người gần gũi với Thiên Chúa là Nhà Lập Luật Tối Cao, Đấng ban hành Luật Vĩnh Cửu làm cho các luật lệ khác nhờ đó mới có giá trị và hiệu lực buộc phải tuân hành. Đó chính là ý nghĩa của câu nói luật xây dựng không thể trái nghịch với luật tự nhiên, một thứ luật tự nhiên không là gì khác ngoài việc cho thấy những tiêu chuẩn căn bản và chính yếu chi phối đời sống luân lý, từ đó, chi phối cả những tính chất, những đòi hỏi sâu xa nhất và những giá trị cao qúi nhất của con người. Như Tôi đã có dịp nói đến trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, "những giá trị này không thể nào phát xuất từ những ý kiến tạm thời và khả hoán của 'số đông', mà chỉ phát xuất từ nhận thức về một thứ luật luân lý khách quan, một thứ luật, như 'luật tự nhiên' được ghi ấn nơi lòng người, phải là cứ điểm cho chính luật dân sự" (số 70).

 

Điều này nghĩa là các thứ luật lệ, bất kể ở lãnh vực nào được các nhà lập luật can thiệp hay buộc phải can thiệp, bao giờ cũng phải tôn trọng và đề cao con người - trong tất cả mọi nhu cầu khác nhau của họ, về tinh thần, vật chất, cá nhân, gia đình và xã hội. Thế nên, một thứ luật không tôn trọng quyền sống của mọi người, từ khi được thụ thai cho tới khi tự nhiên chết đi, bất kể họ ở trong hoàn cảnh nào, khỏe mạnh hay yếu đau, còn ở trong trứng nước, già lão hay gần chết, đều không phải là một thứ luật lệ thuận hợp với dự án thần linh. Bởi thế, các luật gia Kitô hữu, một là không đóng góp vào việc hình thành một thứ luật như vậy, hai là không phê chuẩn nó nơi hội đồng nghị viện, cho dù ở nơi đã có thứ luật này rồi, họ cũng có quyền đề ra những tu chính làm giảm bớt những hậu quả không hay của nó. Cũng thế, đối với tất cả các khoản luật tác hại đến gia đình, tác hại đến tính cách duy nhất cũng như tính cách bất khả phân ly của nó, hay những khoản luật cho phép kết hôn giữa những người, kể cả thành phần đồng phái tính, đòi có những quyền lợi giống như gia đình được hình thành bằng hôn nhân giữa người nam và người nữ.

 

Trong một xã hội đa tạp ngày nay, thành phần Kitô hữu luật gia không thể nào thoát được việc phải đối đầu với những tư tưởng về sự sống cũng như với những khoản luật lệ và những đòi hỏi cần phải hợp pháp hóa nghịch lại với lương tâm của họ. Đức khôn ngoan Kitô giáo, một nhân đức hợp với vai trò Kitô hữu chính trị gia, sẽ giúp cho họ thấy rõ phải hành xử thế nào vừa không áy náy lương tâm chân chính của họ, lại  không lỗi phận sự của một nhà lập luật. Đối với Kitô hữu ngày nay, vấn đề không phải là làm sao để lẩn thoát khỏi thế giới Thiên Chúa đã đặt họ vào, mà là để làm chứng cho đức tin của mình, cũng như để tỏ ra trung thành với các nguyên tắc của mình trước những khó khăn và những trường hợp mới mẻ chưa từng xẩy ra nơi lãnh giới chính trị.

 

5.         Thưa quí vị tôn ông tôn bà, thời điểm Thiên Chúa ban cho chúng ta sống đây là thời diểm tứ bề tăm tối và đầy những khó khăn, vì đây là thời điểm chính tương lai của nhân loại đang gặp nguy biến ở một tân thiên niên kỷ đang mở ra trước mắt chúng ta. Nhiều con người nam nữ ngày nay cảm thấy sợ hãi và xao xuyến, tự hỏi: Chúng ta đang đi về đâu đây? Số phận của nhân loại trong thế kỷ tới sẽ như thế nào? Những khám phá phi thường của khoa học vào những năm gần đây, nhất là ở ngành sinh vật học và di truyền, sẽ đưa chúng ta đến chỗ nào? Chúng ta thấy rằng mình mới đang ở bước khởi đầu của một cuộc hành trình, song chúng ta không biết nó sẽ dẫn chúng ta đi đâu, và nó sẽ mang lại lợi hại ra sao cho con người nam nữ của thế kỷ 21 này.

 

Là Kitô hữu sống trong một thời điểm ghê rợn song lại tuyệt vời này, chúng ta cũng chia sẻ với những mối sợ hãi, những nỗi xao xuyến và vấn nạn của những người đang sống với chúng ta đây. Tuy nhiên, chúng ta không bi quan về tương lai, vì chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giêsu Kitô là Vị Chúa của lịch sử, và chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm ánh sáng chiếu soi đường chúng ta đi, cho dù trong những lúc khó khăn và tăm tối.

 

Việc gặp gỡ Chúa Kitô vào một lần nào đó đã làm biến đổi đời sống của quí vị, và giờ đây, bằng việc hành hương đến mộ của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, qúi vị muốn làm cho cuộc gặp gỡ đó được tái sáng tỏ. Bao lâu quí vị còn kiên trì gắn bó với Chúa Kitô, qua việc cầu nguyện riêng tư và hết mình tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội, thì Người là Đấng Hằng Sống sẽ tiếp tục tuôn đổ xuống trên quí vị Thánh Linh, Vị Thần chân lý và yêu thương, là sức mạnh và là ánh sáng cần thiết cho tất cả chúng ta.

 

Bằng một tác động tin tưởng hết mình và kiên quyết, qúi vị hãy lập lại lòng trung thành của mình đối với Chúa Kitô, Vị Cứu Tinh của thế giới, và hãy lấy Phúc Âm của Người làm chỉ đạo cho tâm tưởng và đời sống của quí vị. Như thế, ở trong xã hội ngày nay, quí vị sẽ là men của một cuộc sống mới nhân loại cần đến, để xây dựng một tương lai chân chính và huynh đệ hơn, một tương lai hướng về văn minh yêu thương.

 

(Tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 8/11/2000)